Hải Dương đẩy mạnh kết nối trường nghề với doanh nghiệp

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đón đầu cơ hội của thời kỳ hội nhập, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp tỉnh Hải Dương đang đẩy mạnh sự gắn kết giữa doanh nghiệp với công tác đào tạo của các trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn.

Theo Đề án “Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030”, UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo các cơ quan liên quan đẩy mạnh khảo sát đúng, chính xác tình hình nguồn nhân lực trên địa bàn, đề ra các giải pháp thiết thực gắn với các mốc thời gian cụ thể, từ đó có kế hoạch đào tạo phù hợp.

Xây dựng các trường nghề trọng điểm

Số liệu từ Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hải Dương cho biết, hiện tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp ước khoảng 108.000 người. Trong đó, lao động được đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chiếm 64%.

Đáng chú ý, theo phản ánh của nhiều đại diện doanh nghiệp, một thực trạng phổ biến đang xảy ra trên địa bàn tỉnh là có những ngành nghề thì quá dư thừa lao động, nhưng lại có ngành nghề rất khó để tìm kiếm nhân sự.

Theo các chuyên gia, thực trạng trên cho thấy lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp tỉnh Hải Dương cần đẩy mạnh việc xây dựng các trường nghề trọng điểm, xác định các ngành nghề đào tạo bám sát nhu cầu của thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp, HTX.

Thực tế, trong những năm qua, ngành giáo dục tỉnh Hải Dương cũng đầu tư xây dựng nhiều trường nghề trọng điểm, trong đó có thể kể đến Trường Cao đẳng nghề Hải Dương. Đến nay, trường có 67 cán bộ, giảng viên, lao động.

Từ năm 2001 đến nay, trường được đầu tư 52 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng gồm 1 nhà học lý thuyết, 4 nhà học thực hành. Trường đang đào tạo các nghề gồm điện tử công nghiệp, công nghệ thông tin, điện công nghiệp, cơ điện tử, điện lạnh, hàn, cắt gọt kim loại, kỹ thuật may… Mỗi năm, trường tuyển sinh từ 550-700 học sinh, sinh viên.

Trường Cao đẳng nghề Hải Dương cũng là đơn vị được tỉnh lựa chọn để đầu tư trọng điểm trở thành trường chất lượng cao. Cụ thể, trường được chọn là 1 trong 15 trường đào tạo thí điểm theo đơn đặt hàng trình độ cao đẳng cấp quốc tế với 2 nghề: cơ điện tử và điện tử công nghiệp. Hàng năm 100% số học sinh, sinh viên tốt nghiệp đều có việc làm.

Đào tạo nghề theo nhu cầu doanh nghiệp

Tại cuộc họp triển khai xây dựng Đề án “Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030” diễn ra mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng nhấn mạnh: “Các trường không thể đào tạo theo những gì mình có mà phải đào tạo theo những gì doanh nghiệp, xã hội cần”.

Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng

Cụ thể, theo ông Triệu Thế Hùng, các trường đào tạo nghề cần bồi dưỡng, đào tạo lại hệ thống giảng viên, giáo viên phù hợp với thực tế; giáo viên cũng cần năng động, chủ động hơn trong giảng dạy, có thể xuống tận doanh nghiệp để tìm hiểu nhu cầu nhằm xây dựng được giáo án phù hợp.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, các trường đào tạo nghề cũng cần nỗ lực cải thiện chất lượng đào tạo để người dân từ bỏ tâm lý “sính bằng cấp” và đào tạo ra quá nhiều tú tài, cử nhân giỏi lý thuyết nhưng kém thực hành.

Đặc biệt, các trường đào tạo nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên cần chủ động thay đổi tư duy về đào tạo, cần có giáo án, chương trình, phương thức đào tạo mới phù hợp với yêu cầu thực tế phát triển của kinh tế, xã hội. Tổ chức các khóa dạy nghề ngắn hạn tập trung vào một chuyên ngành theo đặt hàng của doanh nghiệp.

Với những nền tảng đang có, tỉnh Hải Dương đặt mục tiêu đến năm 2025 giải quyết việc làm hàng năm cho 36.000 người, thực hiện phân luồng học sinh Trung học cơ sở, Trung học phổ thông vào học giáo dục nghề nghiệp đạt khoảng 30%. Lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ của tỉnh đạt 33%. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt 8,5%/năm, tỷ lệ thất nghiệp còn 3 – 4%, tỷ lệ thiếu việc làm còn 2%.

Theo đó, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ, xây dựng các trường đào tạo nghề chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu thị trường. Có các giải pháp mang tính đột phá như tạo được cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thu hút đào tạo, tuyển dụng lực lượng lao động cho chính doanh nghiệp. Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học…

(Nguồn: vnbusiness.vn/Lệ Chi)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *