Lần đầu tiên xây dựng Đề án chuyên sâu về dạy và học pháp luật trong trường nghề
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) đang lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Đề án “Tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong các cơ sở GDNN giai đoạn 2022-2027”. Đây là lần đầu tiên một đề án chính thức, chuyên sâu về phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong các cơ sở GDNN được xây dựng.
Gắn nội dung tuyên truyền với thực tiễn học nghề, làm nghề
Theo Dự thảo Đề án, hoạt động PBGDPL sẽ được triển khai tại tất cả các cơ sở GDNN trong cả nước. Trong đó, ưu tiên nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho các vùng, địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Đối tượng thụ hưởng của Đề án bao gồm: Người học các ngành, nghề đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng, trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác tại các cơ sở GDNN. Dự thảo cũng hướng đến các đối tượng là giáo viên, giảng viên giảng dạy môn pháp luật tại các trường trung cấp, cao đẳng; đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên thực hiện công tác tuyên truyền, PBGDPL, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, nhân viên, người lao động đang làm việc tại các cơ sở GDNN.
Nội dung PBGDPL sẽ tập trung vào các kiến thức cơ bản về Nhà nước và pháp luật, Luật Giáo dục, Luật GDNN, Luật Việc làm, Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành. Chú trọng đến các quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm, chính sách, chế độ đối với cơ sở GDNN, cán bộ quản lý, viên chức, nhà giáo, người dạy, người học, người lao động, phụ huynh người học cùng các nội dung pháp luật liên quan trực tiếp đến ngành, nghề đào tạo, vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp cho người học.
Cùng với đó, tuyên truyền, phổ biến các sự kiện, vấn đề chính trị – pháp lý- kinh tế- văn hóa- xã hội có chủ đề, nội dung liên quan đến GDNN, lao động, việc làm; mô hình, kinh nghiệm, những tấm gương tiêu biểu về PBGDPL trong các cơ sở GDNN.
Hiện thời lượng chương trình môn học pháp luật ở trình độ cao đẳng, trung cấp còn thấp (cao đẳng chỉ có 30 giờ, trung cấp chỉ 15 giờ) nên nội dung chưa bao hàm đủ kiến thức pháp luật cần thiết cho người học.
Đối với chương trình đào tạo trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác, pháp luật về GDNN chưa quy định về việc tổ chức giảng dạy môn học pháp luật. Do đó, không có chương trình, giáo trình đào tạo và tài liệu giảng dạy môn học pháp luật cho đối tượng này. |
Để tăng hiệu quả tuyên truyền, dự thảo Đề án chú trọng đến việc đổi mới phương thức tuyên truyền theo hướng đa dạng, linh hoạt, sáng tạo, hấp dẫn, hiệu quả. Ưu tiên ứng dụng công nghệ, phần mềm vào công tác dạy và học môn pháp luật, xây dựng giáo trình, bài giảng theo hướng trực quan, hấp dẫn, dễ hiểu, dễ tiếp thu và gắn với thực tiễn.
Cùng với đó, định kỳ tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan thực tế tại các cơ quan, đơn vị thực thi pháp luật để làm đa dạng, phong phú môi trường nghiên cứu, học tập cho cán bộ quản lý, nhà giáo, học sinh sinh viên trong các cơ sở GDNN.
Ngoài ra, tăng cường tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật, khuyến khích xây dựng các tiểu phẩm, phóng sự, câu chuyển giải quyết tình huống pháp luật mang ý nghĩa tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật liên quan đến việc học tập, giảng dạy, công việc của các nhóm đối tượng trong các cơ sở GDNN. Tư vấn, giải đáp thắc mắc về chính sách, quy định của Nhà nước trong lĩnh vực GDNN…
Tạo thói quen học tập, tuân thủ pháp luật cho học sinh trường nghề
Theo Bộ LĐ-TB&XH, PBGDPL có ý nghĩa quan trọng, giúp đội ngũ nhà giáo, viên chức, cán bộ quản lý, học sinh, sinh viên, người lao động trong các cơ sở GDNN có ý thức sống, làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, có ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.
Đặc biệt, đối với học sinh, sinh viên, sau khi tốt nghiệp ra trường am hiểu các quy định pháp luật phục vụ cho công việc và cuộc sống. Đồng thời hình thành kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia về chất lượng nguồn nhân lực trong tình hình mới.
Trong những năm qua, các cấp, các ngành, địa phương, các cơ sở GDNN đã có nhiều cố gắng trong công tác tuyên truyền, PBGDPL cho từng nhóm đối tượng trong các cơ sở GDNN.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có một chương trình, đề án chính thức, chuyên sâu nào đó về PBGDPL trong các cơ sở GDNN. Phần lớn các cơ sở GDNN, các địa phương, phải lồng ghép nội dung này vào các chương trình, hoạt động khác.
Hoạt động PBGDPL tại các cơ sở GDNN bởi vậy còn nhiều hạn chế. Nội dung tuyên truyền sơ sài, không đầy đủ, mang tính chắp vá, không được đổi mới, cập nhật thường xuyên. được đổi mới, không được tổ chức thường xuyên…. Hình thức tuyên truyền còn đơn điệu, chủ yếu thực hiện các hình thức tuyên truyền truyền thống như tổ chức hội nghị, tập huấn, phát tờ rơi, ấn phẩm…
Đề án “Tăng cường công tác PBGDPL trong các cơ sở GDNN giai đoạn 2022-2027” do đó được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá mạnh mẽ về công tác tuyên truyền, PBGDPL trong các cơ sở GDNN. Xây dựng nền móng vững chắc để công tác PBGDPL đi vào nề nếp, có chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, phù hợp thực tế. Góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực GDNN, tạo môi trường giáo dục ổn định, lành mạnh trong GDNN, nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động trong thời kỳ mới.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, trong 4 năm (2016-2020), cả nước đã có khoảng 2.472.000 người học các ngành, nghề đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng theo quy định của Luật GDNN được tuyên truyền, PBGDPL qua môn học pháp luật và một số hoạt động khác tại cơ sở GDNN. Tuy nhiên, con số này còn chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng số người học trong các cơ sở GDNN (2.472.000 người trên tổng số 11.077.000 người, chiếm tỷ lệ 22,31%). |
(Nguồn: https://nghenghiepcuocsong.vn/lan-dau-tien-xay-dung-de-an-chuyen-sau-ve-day-va-hoc-phap-luat-trong-truong-nghe/)