Tăng hỗ trợ học nghề – chính sách mới thiết thực cho lao động thất nghiệp
Từ 15/5/2021, người lao động thất nghiệp tham gia đào tạo nghề sẽ được nhận mức hỗ trợ học phí 1,5 triệu đồng/ tháng, tối đa không quá 4,5 triệu/ khóa đào tạo 3 tháng.
Đây là chính sách mới đáng chú ý dành cho lao động thất nghiệp được quy định trong Quyết định số 17/2021/QĐ-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 31/3. So với mức hỗ trợ hiện hành của Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg tối đa 1 triệu đồng/ tháng thì mức hỗ trợ mới tăng thêm 500 nghìn đồng/ tháng.
Theo Quyết định 17/2021/QĐ-TTg, đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng: Mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo.
Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng: Mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng.
Trường hợp người lao động tham gia khóa đào tạo nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở đào tạo nghề nghiệp thì số ngày lẻ được tính theo nguyên tắc: Từ 14 ngày trở xuống tính là 1/2 tháng và từ 15 ngày trở lên được tính là 1 tháng.
Quyết định 17/2021/QĐ-TTg áp dụng với người lao động được hỗ trợ học nghề theo quy định tại Điều 55 Luật Việc làm; cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức được thực hiện hoạt động giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo nghề nghiệp cho người lao động.
Đơn vị triển khai các thủ tục hỗ trợ học nghề của người lao động là Sở LĐ-TB&XH tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; cơ quan bảo hiểm xã hội; trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập và các cơ quan có liên quan đến việc hỗ trợ học nghề cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Quyết định cũng nêu rõ: Hồ sơ đề nghị học nghề và giải quyết hỗ trợ học nghề được thực hiện theo quy định tại Điều 24 và Điều 25 Nghị định 28/2015/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 61/2020/NĐ-CP).
Hằng tháng, cơ sở đào tạo nghề nghiệp thực hiện các thủ tục thanh, quyết toán kinh phí hỗ trợ học nghề theo quy định tại Điều 25 Nghị định 28/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 61/2020/NĐ-CP).
Đối với người lao động đã nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành nhưng chưa có quyết định hỗ trợ học nghề thì được áp dụng mức hỗ trợ học nghề theo các quy định tại Quyết định này.
Nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ học nghề do cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, thời gian qua, số lao động thất nghiệp có nguyện vọng và được hỗ trợ học nghề còn thấp. Một trong những nguyên nhân là do mức hỗ trợ học nghề hiện nay còn thấp. Người lao động thất nghiệp tham gia học nghề chỉ được hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/tháng và thời gian hỗ trợ ngắn nên chưa đáp ứng được một số nghề đòi hỏi trình độ trung cấp trở lên của người tham gia.
Việc nâng mức hỗ trợ theo đó sẽ tạo điều kiện hơn cho lao động thất nghiệp học nghề để sớm quay trở lại thị trường lao động. Đồng thời góp phần thu hút lao động thất nghiệp tham gia học nghề.
Trong những năm qua, đặc biệt từ đầu năm 2020 đến nay khi dịch Covid-19 đã và đang tác động không nhỏ đến đời sống kinh tế – xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đã phát huy khá đầy đủ chức năng “bà đỡ” cho thị trường lao động. Qua triển khai chính sách, trong đó có việc hỗ trợ học nghề đã kịp thời trợ giúp người lao động bảo đảm cuộc sống, sớm quay trở lại thị trường lao động nhanh hơn. |
Theo ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc làm, (Bộ LĐ-TB & XH), báo cáo từ các địa phương cho thấy, tất cả những người thất nghiệp có nguyện vọng học nghề đều được tổ chức hỗ trợ học nghề theo đúng quy định của pháp luật. Số người được hỗ trợ học nghề có xu hướng tăng qua từng năm, đặc biệt từ sau khi Luật Việc làm có hiệu lực thi hành.
Thống kê của Cục Việc làm, tính đến hết tháng 11/2020, đã có hơn 251 nghìn người được hỗ trợ học nghề. Kinh phí hỗ trợ cho nhóm đối tượng này lên tới hơn 482 tỷ đồng. Số người được hỗ trợ học nghề chiếm khoảng 5% số người hưởng trợ cấp thất nghiệp, nằm trong dự tính phương án tài chính khi xây dựng chính sách BHTN trong Luật Việc làm.
(Nguồn: Nghenghiepvacuocsong)